Emily trên dải cầu vồng
Phan_17
“Giữa thế kỷ 19 thì một đứa trẻ làm sao mà mất tích được chứ,” cụ Bradshaw nói – và giận dữ quá đâm mắc nghẹn giữa lúc đang uống cốc nước nóng hổi.
“Không… giữa thế kỷ 20 cũng không,” bà Hollinger nói, vỗ vỗ vào lưng ông. “Cụ lên giường ngủ đi thôi, cụ ạ. Cụ đã mệt rồi.”
“Ta không mệt và lúc nào muốn ta sẽ lên giường, Julia Hollinger.”
“Ôi chao, được rồi, cụ ạ. Cụ đừng có cáu kỉnh mà làm gì. Có lẽ tôi nên mang một tách trà vào cho Clara. Có khi bây giờ cô ấy sẽ uống cũng nên. Từ tối thứ Ba đến giờ cô ấy đã ăn uống gì đâu. Thử hỏi cứ thế thì phụ nữ làm sao mà chịu nổi?”
Emily và Ilse cố gắng huy động hết cảm giác ngon miệng để ăn bữa tối dưới ánh mắt soi mói ngờ vực của cụ Bradshaw và giữa sự bủa vây của những âm thanh sầu não đang vọng ra từ căn phòng nhỏ bên trong.
“Tối nay lạnh giá ướt át… thằng bé ở đâu rồi… đứa con bé bỏng của tôi đâu rồi?” một giọng phụ nữ rền rĩ, chất chứa nỗi thống khổ khiến Emily đau đớn y như thể đó là cảm xúc xuất phát từ trong lòng cô.
“Người ta sẽ tìm thấy thằng bé sớm thôi, Clara,” bà Hollinger ai ủi bằng giọng sôi nổi không chút thật tâm. “Chỉ cần cô kiên nhẫn là được… tôi khuyên cô nên chợp mắt đi… chắc chắn họ sẽ sớm tìm thấy thằng bé thôi.”
“Họ sẽ chẳng bao giờ tìm tháya thằng bé đâu.” Giọng nói giờ gần như đã biến thành tiếng kêu gào. “Nó đã chết rồi… nó chết rồi… nó đã chết từ tận cái đêm thứ Ba lạnh buốt da buốt thịt ấy rồi. Ôi Chúa ơi, xin Người rủ lòng thương! Thằng bé còn bé bỏng xiết bao! Mà tôi thì cứ luôn miệng nhắc nhở nó đừng có mở miệng ra nói trừ phi có người nói chuyện với nó trước… nó sẽ chẳng bao giờ nói chuyện với tôi nữa. Trước giờ hễ nó lên giường đi ngủ là tôi đều không cho phép nó để nến sáng… và nó đã chết trong cảnh tối tăm, giữa cô đơn lạnh lẽo. Trước giờ tôi không cho phép nó nuôi chó… mà nó thì lại khát khao có một con chó đến vậy. Nhưng giờ nó chẳng khát khao gì cả… chỉ một nấm mồ và tấm vải liệm mà thôi.”
“Tớ không chịu nổi cảnh này,” Emily lầm bầm. “Tớ không thể, Ilse ạ. Tớ có cảm giác mình sắp kinh hãi đến phát điên lên rồi. Tớ thà ở ngoài giữa trời bão còn hơn.”
Bà Hollinger, dáng người dong dỏng, khuôn mặt toát lên vẻ cảm thông và nghiêm nghị, bước ra khỏi phòng ngủ và đóng cửa lại.
“Thật kinh khủng, phải không! Cô ấy sẽ cứ thế này cả tối cho xem. Các cháu đã muốn đi ngủ chưa? Trời vẫn còn sớm, nhưng hẳn hai cháu mệt rồi và có khi tốt hơn là nên ở chỗ nào mà các cháu không nghe được tiếng cô ấy, thật tội nghiệp. Cô ấy không chịu dùng trà… cô ấy sợ bác sĩ bỏ thuốc ngủ vào trong đó. Cô ấy không muốn ngủ chừng nào còn chưa tìm thấy thằng bé, dẫu sống hay chết cũng mặc lòng. Nếu thằng bé mà bị kẹt ở vùng cát lún rồi thì nhiên người ta sẽ chẳng bao giờ tìm thấy nó.”
“Julia Hollinger, nhà chị đúng là đồ ngốc và là con gái của một kẻ ngốc, nhưng chắc chắn ngay cả chị cũng phải hiểu rõ một đứa trẻ không thể mất tích giữa thế kỷ 19 được,” cụ Bradshaw nói.
“Ôi chao, nếu không phải cụ mà là bất cứ kẻ nào khác gọi tôi là đồ ngốc, cụ ạ, tôi sẽ phát điên lên cho xem,” bà Hollinger nói, giọng nhuốm chút chanh chua. Bà thắp sáng một cây đèn rồi dẫn hai cô gái lên lầu. “Hy vọng hai cháu sẽ ngủ được. Ta khuyên hai cháu cứ quấn chăn vào đi, mặc dù trên giường có khăn trải giường đấy. Hôm nay chúng đã được đem phơi phóng hết rồi, cả chăn lẫn khăn trải giường. Ta nghĩ tốt hơn hết là đem phơi phóng hết đi phòng khi phải tổ chức đám tang. Ta còn nhớ người nhà Murray ở Trăng Non luôn chú trọng đến việc phơi phóng chăn nệm, vậy nên ta mới nhắc đến chuyện này. Nghe trận gió kia kìa. Có lẽ chúng ta sẽ nghe thấy sự tàn phá khủng khiếp mà cơn bão này gây nên. Ta sẽ chẳng lấy làm ngạc nhiên nếu tối nay mái nhà này bị thổi tốc đi mất. Họa vô đơn chí. Nếu giữa đêm mà nghe thấy tiếng ồn thì ta khuyên các cháu chớ nên lo lắng làm chi. Nếu cánh đàn ông mà mang thi thể về nhà thì rất có khả năng Clara sẽ hành xử như bị ma ám cho xem, thật tột nghiệp. Có lẽ tốt hơn hết các cháu cứ khóa cửa vào. Thỉnh thoảng bà cụ McIntyre vẫn hay đi lang thang khắp nhà đấy. Cụ ấy khá vô hại và nói chung vẫn tương đối tỉnh táo, nhưng dùng gì thì chuyện đó vẫn khiến dân tình phải giật cả mình.”
Hai cô gái thấy nhẹ cả lòng khi cánh cửa đóng lại sau lưng bà Hollinger. Bà là người tử tế, với tư cách hàng xóm làng giềng, những gì nên làm bà đều làm, nhưng bà không hẳn là một người bầu bạn vui vẻ. Hai cô gái nhận thấy mình đang ở trong một “căn phòng dành cho khách” bé tí hin ngay dưới mái hiên thoai thoải, gọn gàng không chê vào đâu được. Phần lớn không gian trong phòng đã bị chiếm dụng chom một cái giường lớn ấm cúng, nhìn cứ như được sinh ra để làm chỗ cho người ta nằm ngủ vậy, và tuyệt nhiên không có chút tác dụng trang trí gì cho căn phòng. Một cửa sổ nhỏ lắp bốn ô kính, được che bởi tấm rèm muslin trắng tinh, bao bọc hai cô gái tránh xa khỏi màn đêm lạnh giá bão dông đang giăng trên mặt biển.
“Eo ơi,” Ilse rung mình, chui ngay vào giường bằng vận tốc tối đa. Emily nối theo sau, có phần chậm hơn một chút, quên béng mất khoản khóa cửa. Vốn đã mệt rũ cả người, Ilse gần như đặt lưng xuống là ngủ ngay lập tức, nhưng Emily thì cứ trằn trọc mãi. Cô khổ sở nằm đó, căng tai ra nghe ngóng tiếng bước chân. Mưa quật vào cửa sổ, không phải từng giọt từng giọt mà trút thành cả dòng, gió gầm gào rú tít. Từ dưới đồi, cô nghe vọng lên tiếng những con sóng trắng xóa đang nghiến ngấu cắn xé dọc bờ biển tối đen thăm thẳm. Liệu có thể nào mới chỉ hai mươi tư giờ đồng hồ trôi qua sau đêm mùa hè huyền ảo trăng sáng vằng vặc trên đống cỏ khô giữa đồng dương xỉ? Chao ôi, ắt hẳn đó phải là cảnh tượng từ một thế giới khác.
Đứa trẻ mất tích tội nghiệp đó đang ở đâu? Trong một nhịp nghỉ giữa chừng của cơn bão, cô mơ hồ tưởng như mình đã nghe thấy tiếng thút thít yếu ớt giữa không trung tối đen cao vọi, như thể một linh hồn bé bỏng cô đơn nào đó mới vừa thoát khỏi thân xác, giờ đang cố gắng tìm đường quay trở lại với gia đình. Cô không cách nào trốn tránh được nỗi đau đang vò xé: những cánh cổng giấc mơ đã đóng sập lại trước mắt cô: cô không thể tách suy nghĩ rời khỏi cảm xúc của mình để mà mang lại kịch tính cho chúng. Trí não cô căng ra như sợi dây đàn. Cô đau đớn đẩy suy nghĩ của mình vào cơn bão ngoài kia để mà tìm kiếm, để mà cật lực chọc thủng tấm màn bí ẩn che phủ nơi đứa bé đang ở. Cậu bé ấy phải được tìm thấy… cô siết chặt hai bàn tay… cậu bé ấy phải như vậy. Người mẹ tội nghiệp!
“Ôi, lạy Chúa, xin hãy để cậu bé được tìm thấy, an toàn… xin hãy để cậu bé được tìm thấy, an toàn,” Emily cầu nguyện trong tuyệt vọng và cố chấp, hết lần này đến lần khác – càng lúc càng tuyệt vọng hơn, cố chấp hơn, vì dường như nó là một lời cầu nguyện có quá ít cơ hội được đáp ứng. Dẫu vậy, cô vẫn không ngừng lặp lại lời nguyện đó, hòng ngăn cản tâm trí mình khỏi nghĩ đến những hình dung khủng khiếp về đầm lầy, về cát lún và sông nước, cho tới tận khi, cuối cùng cô cũng mệt mỏi đến độ sự tra tấn tinh thần không còn đủ sức giữ cô thức chong chong được nữa, và cô chìm vào một giấc ngủ đầy bất an, trong khi cơn bão vẫn thét gào và đoàn tìm kiếm thất bại cuối cùng cũng từ bỏ cuộc truy lùng vô vọng.
Chương 14: Người phụ nữ từng đét mông đức vua
Khi cơn bão đã dốc cạn sức lực của mình, bình minh ẩm ướt ló rạng từ dưới vịnh, chậm rãi mang theo sắc màu ảm đạm trườn vào căn phòng nhỏ dành cho khách của ngôi nhà quét vôi trắng trên đồi. Emily giật mình thức dậy, thoát ra khỏi giấc mộng hỗn loạn, mơ thấy cảnh đang tìm kiếm – và tìm thấy – cậu bé mất tích. Nhưng giờ thì cô không thể nhớ nổi cô đã tìm thấy cậu bé ở nơi nào. Ilse vẫn đang nằm ngủ nơi cuối giường, những lọn tóc vàng nhạt xõa trên gối như một xấp tơ dày. Tâm trí vẫn vướng vất trong tấm mạng nhện giấc mơ kia, Emily đưa mình mắt nhìn quanh phòng… chắc mẩm mình hẳn vẫn đang trong giấc mộng.
Bên cạnh chiếc bàn tí hon phủ tấm khăn viền đăng ten trắng tinh, một người phụ nữ đang ngồi – một bà già cao ráo, đậm người, trên mái tóc bạc dày đội một chiếc mũ góa phụ trắng phục trắng tinh, y như kiểu mũ quen thuộc của những bà già vùng cao nguyên Scotland hồi đầu thế kỷ. Bà mặc chiếc váy dạ thô màu mận chín kèm chiếc tạp dề trắng cỡ lớn, và bà mặc trang phục đó với phong thái của một nữ hoàng. Một chiếc khăn choàng màu xanh da trời gọn gàng phủ trước ngực bà. Khuôn mặt bà trắng đến lạ kỳ và hằn sâu những nếp nhăn, nhưng, với thiên phú nhìn ra được bản chất của mọi sự, Emilt ngay lập tức đã nhận thấy sức mạnh và sự nhiệt tình vẫn khắc họa lên mọi đường nét. Và từ đôi mắt xanh trong veo xinh đẹp kia, cô cũng nhận thấy dường như chủ nhân của nó đã nhiều khi phải chịu những tổn thương vô cùng sâu sắc. Đây ắt hẳn chính là bà cụ McIntyre mà bà Hollinger từng nhắc tới. Và nếu đúng như vậy, bà cụ McIntyre quả thật là một nhân vật rất đáng kính trọng.
Bà McIntyre ngồi đó, hai bàn tay đan vào nhau úp trên lòng, điềm tĩnh nhìn Emily bằng ánh mắt chất chứa một điều gì đó khó diễn tả nên lời – một điều gì đó đích thực hơi kỳ lạ. Emily nhớ người ta đồn bà McIntyre là người “không tỉnh táo”. Cô có phần bứt rứt, băn khoăn không biết mình nên làm gì mới phải. Cô có nên nói gì không nhỉ? Bà McIntyre đã tránh cho cô khỏi phải quyết định.
“Tổ tiên của cháu hẳn phải có người ở vùng cao nguyên Scotland phỏng?” bà hỏi, giọng nói ấm áp và uy quyền đến không ngờ, đậm đặc âm sắc hấp dẫn của vùng cao nguyên Scotland.
“Vâng ạ,” Emily đáp.
“Cháu là tín đồ Giáo hội Trưởng lão phỏng?”
“Vâng ạ.”
“Chỉ có mỗi họ mới được coi là người tử tế đứng đắn thôi,” bà McIntyre bình luận bằng giọng hài lòng. “Và cháu sẽ vui lòng cho ta biết tên cháu là gì chứ? Emily Starr à! Đó quả là một cái tên rất đẹp. Ta sẽ nói cho cháu biết tên của ta – đó là phu nhân Margaret McIntyre. Ta không phải người tầm thường đâu nhé… ta chính là Người phụ nữ từng đét mông đức vua đấy.”
Một lần nữa, Emily, lúc này đã hoàn toàn tỉnh táo, hồi hộp đến run cả người vì bản năng của người kể chuyện đã bị đánh thức. Nhưng Ilse, đúng lúc này lại vừa tỉnh giấc, khẽ kêu lên ngạc nhiên. Phu nhân McIntyre ngẩng đầu lên trong một cử chỉ đầy vương giả.
“Không cần phải sợ ta đâu, cháu gái yêu dấu. Ta sẽ không làm hại gì cháu đâu, mặc dù ta chính là người đã đét mông nhà vua. Mọi người vẫn nói về ta như thế đấy… ôi chao, đúng vậy… khi ta bước vào nhà thờ. ‘Bà ấy chính là Người phụ nữ từng đét mông đức vua đấy.’ ”
“Theo cháu thấy,” Emily ngập ngừng nói, “có lẽ chúng cháu nên dậy thôi.”
“Cháu sẽ không dậy khỏi giường cho tới chừng nào ta đã kể cho cháu nghe xong câu chuyện của ta,” phu nhân McIntyre nói chắc như đinh đóng cột. “Ngay từ lúc nhìn thấy cháu, ta đã biết ngay cháu chính là người nên nghe câu chuyện này. Cháu không có nước da hồng hào lắm và ta cũng sẽ không nói rằng cháu là người rứt xinh đẹp đâu… ối chao, không đâu. Nhưng cháu có đôi bàn tay nhỏ nhắn và đôi tai nhỏ… ta vẫn luôn cho rằng đó chính là đôi tai của các nàng tiên. Cô gái đang ở bên cạnh cháu đây, cô bé ấy rứt xinh đẹp và sẽ là người vợ rứt đảm đang của một người đàn ông đẹp trai… cô gái ấy là người thông minh lanh lợi, ôi chao, đúng vậy… nhưng cháu có cá tính và cháu chính là người sẽ được ta kể cho nghe câu chuyện của ta.”
“Để bà ấy kể đi,” Ilse thì thầm. “Tớ đang tò mò chết đi được, chỉ muốn nghe xem câu chuyện đức vua bị đét mông là như thế nào.”
Giờ đã nhận ra trong trường hợp này thì còn lâu mới có chuyện “để này để nọ”, mà chỉ còn cách cứ nằm yên đó lắng nghe phu nhân McIntyre nói, bất kể bà muốn nói gì đi chăng nữa, Emily bèn gật đầu.
“Cháu không dùng hai ngôn ngữ phỏng? Ý ta là tiếng Celt ấy.”
Như bị bỏ bùa, Emily lắc mái đầu đen.
“Thật tiếc quá, vì câu chuyện của ta mà nghe qua tiếng Anh thì không được hay ho như thế nữa… ôi chao, không đâu. Thể nào cháu cũng tự nhủ bà già này ắt hẳn đang mơ, nhưng cháu nhầm rồi, vì câu chuyện ta sắp kể cho cháu nghe đây là chuyện người thực việc thực… ôi chao, đúng vậy đấy. Ta đã đét mông đức vua. Tất nhiên hồi đó ngài ấy vẫn chưa lên ngôi… ngài ấy mới chỉ là hoàng tử bé và còn chưa quá chín tuổi cơ… đúng bằng độ tuổi bé Alec nhà ta. Nhưng ta phải kể từ đầu mới được, nếu không cháu sẽ chẳng hiểu ất giáp gì hết. Chuyện xảy ra từ lâu lâu lắm rồi, thậm chí còn trước cả khi chúng ta rời Quê Cũ cơ. Chồng ta là Alistair McIntyre và ông ấy thường chăn cừu gần lâu đài Balmoral. Alistair là một người đàn ông rứt đẹp trai và chúng ta sống rứt hạnh phúc. Nói như thế không có nghĩa là thỉnh thoảng chúng ta không cãi cọ một trận… ôi chao, không đâu, thế thì rứt tẻ nhạt. Nhưng một khi đã làm hòa rồi thì chúng ta càng yêu thương nhau hơn bao giờ hết. Và ngay cả ta hồi đó trông cũng rứt xinh xắn. Qua bao nhiêu tháng năm thì giờ ta đã càng ngày càng béo ra rồi, nhưng hồi đó ta rứt mảnh khảnh xinh đẹp… ôi chao, đúng vậy đấy, điều ta đang kể với cháu đúng là chuyện thật một trăm phần trăm, mặc dù ta thấy hẳn cháu đang giấu mặt sau ống tay áo mà cười nhạo ta. Khi nào đến tám mươi tuổi thì cháu sẽ hiểu rõ hơn về chuyện này thôi.
“Hẳn cháu vẫn còn nhớ rằng có lẽ nữ hoàng Victoria và hoàng thân Albert cứ hè đến lại tới Balmoral, đưa theo cả con cái, và họ chỉ dẫn theo số người hầu tối thiểu mà họ cần, vì họ không muốn ồn ào nhặng xị mà chỉ muốn có khoảng thời gian thoải mái bình yên giống như những người dân bình thường. Vào ngày Chủ nhật, thỉnh thoảng họ lại đi bộ xuống nhà thờ giữa thung lũng hẹp để nghe ngài Donal MacPherson giảng đạo. Ngài Donal MacPherson là một người cầu nguyện rứt tài năng và ông ấy không thích có người bước vào nhà thờ giữa lúc ông ấy đang thuyết giảng. Ông ấy thế nào cũng sẽ dừng lại rồi bảo, ‘Ôi lạy Chúa, chúng ta sẽ phải đợi cho tới tận khi ngài Jim Lớn người Scotland yên vị đã,’… ôi chao, đúng thế đấy. Hồi đó ta nghe nói hôm sau nữ hoàng cứ cười suốt… cười ngài Jim Lớn người Scotland ấy, cháu biết đấy, chứ không phải cười mục sư đâu.
“Khi cần thêm người đỡ đần công việc ở lâu đài, họ cần gọi ta và Janet Jardine. Chồng Janet là người hầu trong lâu đài. Bà ấy luôn nói với ta, ‘Xin chào, phu nhân McIntyre’ mỗi khi chúng ta gặp nhau, còn ta thì bảo, ‘Xin chào, Janet,’ chỉ để chứng tỏ địa vị cao hơn hẳn của người nhà McIntyre so với người nhà Jardine. Nhưng bà ấy cư xử rất đúng với cương vị của mình, và miễn là bà ấy không quên điều đó thì chúng ta luôn rất hòa hợp.
“Ta là bạn bè rứt thân thiết với nữ hoàng… ôi chao, đúng vậy đấy. Dẫu có thế nào đi chăng nữa thì nữ hoàng cũng không phải một người phụ nữ kiêu ngạo. Thỉnh thoảng, người sẽ ngồi uống trà ở nhà ta và trò chuyện với ta về con cái của người. Nữ hoàng không xinh đẹp lắm, ôi chao, không đâu, nhưng người có bàn tay rứt đẹp. Hoàng thân Albert trông rứt ưa nhìn, đấy là theo lời người ta nói vậy, nhưng theo ý ta thì Alistair còn điển trai hơn nhiều. Dù gì đi nữa họ cũng là những người rứt tử tế, và các hoàng tử nhỏ và công chúa nhỏ ngày ngày đều chơi đùa cùng con cái của ta. Nữ hoàng biết rõ mấy đứa trẻ là bạn bè tốt của nhau và đối với chuyện của đám trẻ, tinh thần ngài thoải mái hơn của ta nhiêu… vì nếu trên đời này mà có ai xứng đáng được gọi là kẻ liều lĩnh thì đó hẳn là chính là hoàng tử Bertie… ôi chao, đúng vậy đấy, và lại còn láu cá nữa cơ chứ… và lúc nào ta cũng nơm nớp lo sợ ngài ấy và Alec sẽ gặp chuyện không hay. Ngày nào hai đứa trẻ cũng chơi đùa cùng nhau… và cả cãi cọ với nhau nữa. Mà không phải lúc nào cũng là lỗi của Alec đâu nhé. Nhưng lần nào Alec cũng là người bị quở trách, thằng bé tội nghiệp. Phải có người nào đó bị trách phạt chứ và cháu cũng thừa biết ta làm sao có thể trách phạt hoàng tử được, cháu thân mến.
“Trong lòng ta lúc nào cũng canh cánh một nỗi lo… con suối giữa rừng đằng sau nhà ấy. Con suối rất sâu lại chảy xiết, đứa trẻ nào mã ngã xuống đó thì sẽ bị chết đuối cho coi. Ta vẫn nhắc đi nhắc lại với hoàng tử Bertie và Alec rằng nhất thiết đừng có bao giờ bén mảng lại gần bờ suối. Tuy nhiên thỉnh thoảng cả hai vẫn lại gần suối và bởi vậy ta sẽ trách phạt Alec, mặc dù thằng bé nói với ta rằng nó không muốn đi nhưng hoàng tử Bertie lại bảo, ‘Ôi, đi đi mà, chẳng có nguy hiểm gì ráo, đừng có nhát như thỏ đế thế,’ vậy là Alec, thằng bé sẽ đi vì nó đinh ninh mình phải làm theo ý muốn của hoàng tử Bertie và chẳng mấy thích thú chuyện bị gọi là nhát như thỏ đế, nhất là khi nó lại là một người nhà McIntyre. Vì vấn đề này mà ta lo lắng rất nhiều đến nỗi bao nhiêu đêm trằn trọc chẳng ngủ được. Và rồi, cháu gái yêu quý ạ, một ngày kia hoàng tử Bertie đã ngã thẳng xuống suối nước sâu và Alec cố gắng kéo ngài ấy ra khỏi suối rồi nó cũng ngã xuống suối theo ngài ấy. Và hẳn là cả hai đã bị chết đuối cùng nhau rồi nếu không phải đúng lúc ta trên đường trở về nhà sau khi mang bơ đến lâu đài cho nữ hoàng và nghe thấy tiếng kêu của hai đứa. Ôi chao, đúng vậy đấy, nhoắng cái ta đã hiểu được chuyện xảy ra bèn chạy đến bên suối và chẳng mất nhiêu thời gian để vớt được cả hai, lúc này đang vừa sợ mất mật vừa ướt nhèm nhẹp. Ta biết rõ phải làm gì đó và ta đã phát ốm lên vì cứ phải trách phạt Alec tội nghiệp rồi, thêm nữa thành thực mà nói, cháu gái yêu quý ạ, lúc đó ta đã phát điên lên mất rồi và chẳng nghĩ gì đến hoàng tử với lại đức vua hết, chỉ thấy đây là hai đứa trẻ hư hỏng thôi. Ôi chao, đó đúng là một cơn nóng giận mất khôn quá quen thuộc với ta… ôi chao, đúng vậy đấy. Ta bèn xách hoàng tử Bertie lên và lật sấp ngài ấy nằm trên đầu gối của ta: rồi ta phát cho ngài ấy đánh đét một cái vào đúng vị trí mà đức vua hẳn sẽ chọn để trừng phạt các hoàng tử, cũng y như đối với những đứa trẻ bình thường vậy. Ta trách phạt ngài ấy đầu tiên vì ngài ấy là một hoàng tử. Rồi ta phạt Alec vì cả hai a dua với nhau, vì ta rứt giận dữ và ta thực hiện đúng cái hành động mà ắt hẳn bàn tay ta sẽ thực hiện bằng trọn vẹn sức lực của ta, theo đúng như cách nói trong Kinh Thánh.
“Rồi khi hoàng tử Bertie về nhà… rứt giận dữ… ta bình tĩnh lại và có phần hơi hoảng sợ. Vì ta không biết nữ hoàng sẽ xử lý chuyện này như thế nào, và ta không thích thú gì khi nghĩ đến chuyện Janet Jardine chiến thắng ta. Nhưng nữ hoàng Victoria là người hiểu rõ phải trái, và ngày hôm sau ngài nói với ta rằng ta đã hành động đúng: hoàng thân Albert mỉm cười trêu chọc ta về nghi thức đặt tay trao bí tích[1]. Và từ đó hoàng tử Bertie không còn bỏ ngoài tai những lời khuyên của ta về chuyện dòng suối nữa… ôi chao, không đâu… và mất một thời gian ngài ấy ngồi xuống còn chẳng thấy rứt thoải mái được nữa. Về phần Alec, ta cứ đinh ninh thằng bé rứt giận ta, nhưng lúc nào cũng vậy thôi, thật khó mà đoán được suy nghĩ của cánh đàn ông… ôi chao, phải đấy… vì chuyện đó cũng khiến thằng bé cười mãi và nó còn nói với ta rằng rồi sẽ đến một ngày ta có thể khoe khoang rằng ta đã đét mông đức vua. Chuyện đã xảy ra từ lâu lắm rồi, nhưng ta vẫn mãi vẫn không bao giờ quên được. Nữ hoàng đã qua đời cách đây hai năm và cuối cùng hoàng tử Bertie cũng lên ngôi. Khi Alistair và ta đến Canada, nữ hoàng đã ban tặng ta một chiếc váy lót lụa. Đó là một chiếc váy lót kẻ ca rô Scotland rứt đẹp do chính nữ hoàng Victoria thiết kế. Ta chưa bao giờ mặc nó, nhưng rồi ta sẽ mặc nó một lần… trong quan tài của ta, ôi chao, đúng vậy đấy. Ta vẫn cất nó trong rương để ở phòng ta và người ta sẽ biết nó được dùng để làm gì thôi. Ta chỉ mong sao Janet Jardine có thể biết ta sẽ được chôn cất trong một chiếc váy ca rô Scotland do nữ hoàng thiết kế, nhưng bà ấy đã chết từ đời nảo đời nào rồi. Bà ấy là một người rứt tử tế, dẫu bà ấy không phải một người nhà McIntyre.
[1] Chỉ việc đặt tay trong các nghi lễ chính thức để trao bí tích của Giáo hội Công giáo mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng, truyền chức thánh để thi hành quyền thánh, ban thêm sức, chúc lành.
Phu nhân McIntyre khoanh tay lại ngồi im. Bà đã thỏa mãn khi kể xong câu chuyện của mình. Emily nãy giờ vẫn say mê lắng nghe. Giờ cô hỏi:
“Liệu bà có cho phép cháu viết lại câu chuyện đó và xuất bản nó được không, bà McIntyre?”
Phu nhân McIntyre ngả người về phía trước. Khuôn mặt nhăn nheo trắng nhợt của bà hơi phớt hồng, đôi mắt sâu thẳm sáng long lanh.
“Cháu muốn nói là nó sẽ được đăng trên một tờ báo?”
“Vâng ạ.”
Phu nhân McIntyre chỉnh sửa lại chiếc khăn choàng vắt trên ngực, bàn tay hơi run run.
“Thật kỳ lạ xiết bao khi có những lúc, ước mong của chúng ta sẽ biến thành sự thực. Đáng thương thay cho những con người ngu ngốc cứ cho rằng Chúa chẳng thể nào nghe được mong ước của chúng ta. Cháu sẽ viết câu chuyện này và kể lại nó bằng những ngôn từ tráng lệ…”
“Không, không phải thế đâu ạ,” Emily vội nói. “Cháu sẽ không làm thế đâu. Có lẽ cháu sẽ phải xào xáo một chút và xây dựng một cốt truyện, nhưng về cơ bản cháu sẽ viết theo đúng như bà đã kể lại. Cháu không thể làm cho nó hay hơn chút xíu xíu nào đâu ạ.”
Trong một thoáng, phu nhân McIntyre toát lên vẻ ngờ vực… rồi sau đó là hài lòng.
“Ta chỉ là một kẻ dốt nát tội nghiệp và ta không biết cách lựa chọn từ ngữ rứt tốt, nhưng có lẽ cháu sẽ hiểu rõ nhất. Cháu rứt tử tế mới lắng nghe ta nói như thế, và ta rứt tiếc vì đã giữ cháu lại lâu đến thế với những câu chuyện xưa của ta. Giờ ta đi đây, để các cháu ra khỏi giường thôi.”
“Người ta đã tìm thấy cậu bé mất tích chưa ạ?” Ilse sốt sắng hỏi.
Phu nhân McIntyre lắc đầu, vẻ điềm tĩnh.
“Ôi chao, chưa đâu. Họ sẽ chẳng dễ dàng tìm thấy thằng bé đâu. Ta đã nghe Clara gào rít giữa đêm. Nó là con gái của con trai ta, Angus. Con trai ta đã cưới một người nhà Wilson, mà người nhà Wilson thì có chuyện gì cũng làm ầm ĩ hết cả lên. Đứa cháu gái tội nghiệp đó cứ áy náy không yên vì cho rằng mình đối xử không đủ tốt với thằng bé, nhưng lúc nào mà cháu gái ta chẳng chiều chuộng đến mức làm thằng bé sinh hư, mà thằng bé ấy thì tinh nghịch không để đâu cho biết. Ta chẳng giúp ích được gì nhiều cho con bé… ta nào có khả năng tâm linh đâu chứ. Cháu thì phần nào có khả năng đó đấy, ta nghĩ thế, ôi chao, đúng vậy đấy.”
“Không… không đâu ạ,” Emily vội nói. Cô chẳng thể ngăn mình nhớ lại một sự cố từ hồi thơ trẻ ở trang trại Trăng Non, một sự cố mà chẳng hiểu sao cô chẳng bao giờ muốn nghĩ tới.
Phu nhân McIntyre già gật đầu nghiêm nghị và vuốt phẳng cái tạp dề trắng tinh.
“Cháu cứ phủ nhận nó là không đúng đâu, cháu gái thân mến ạ, vì nó là một món quà vĩ đại và cụ cố Helen của ta cũng được ban cho món quà đó, ôi chao, đúng vậy đấy. Nhưng họ sẽ không tìm ra bé Allan đâu, ôi chao, không đâu. Clara yêu thương thằng bé quá mức. Chẳng phải chuyện rứt tốt đẹp gì khi yêu thương quá mức ai đó. Chúa là một vị Chúa hay ghen tị, ôi chao, đúng vậy đấy; chính Margaret McIntyre là người biết rõ điều đó. Ta từng có sáu đứa con trai, tất cả đều là những đấng nam nhi rứt tử tế, và đứa út là Neil. Nếu không kể giày thì nó cao hơn một mét chín và cả mấy đứa còn lại không đứa nào giống nó hết. Nó luôn rất vui vẻ… nó lúc nào cũng cười tươi, ôi chao, đúng vậy đấy, và miệng lưỡi ngọt ngào đủ sức dụ cho chim cũng phải ra khỏi bụi cây ấy chứ. Một tối kia nó tới Klondyke và chết cóng ngoài trời ở đó, ôi chao, đúng vậy đấy. Nó chết dần chết mòn trong khi ta đang cầu nguyện cho nó. Kể từ đó ta không còn cầu nguyện nữa. Giờ Clara đang trải qua những cảm xúc y như thế đó… con bé nói Chúa không nghe thấy đâu. Làm phụ nữ là một việc rứt lạ thường, các cháu gái thân mến ạ, và lạ là cứ vô duyên vô cớ mà yêu thương quá nhiều như thế. Bé Allan là đứa trẻ xinh đẹp. Thằng bé có khuôn mặt ngăm ngăm nhỏ nhắn bầu bĩnh, với đôi mắt xanh rứt to và thật đáng thương nếu người ta không tìm thấy thằng bé, mặc dù người ta đã không tìm thấy Neil của ta kịp lúc, ôi chao, không đâu. Ta để Clara một mình xoay xở… chỉ trừ cái lần ta đét mông đức vua. Chính Julia Hollinger mới khiến mọi người sầu muộn không thôi bằng những lời lẽ thiếu hiểu biết. Chị ta là người dốt nát. Chị ta đã bỏ chồng vì ông ta không chịu bỏ con chó ông ta yêu quý. Ta vẫn luôn cho rằng ông ta chung thủy với con chó đó là khôn ngoan đấy. Nhưng ta lúc nào cũng hòa nhã với Julia vì ta đã học được cách vui vẻ chịu đựng những kẻ dốt nát. Chị ta rứt thích khuyên này khuyên nọ, nhưng dù sao đi nữa cũng chẳng hại gì đến ta được vì ta chẳng bao giờ nghe theo hết. Giờ thì phải tạm biệt thôi, các cháu gái thân mến, ta rứt vui vì đã được gặp các cháu và ta mong sao rắc rối sẽ không bao giờ đến ngự trên đá lát lò sưởi nhà các cháu. Ta cũng sẽ không quên chuyện các cháu đã rất lịch sự lắng nghe ta nói, ôi chao, đúng vậy đấy. Giờ thì ta chẳng mấy quan trọng với bất kỳ ai nữa… nhưng từng có thời ta đã đét mông đức vua đấy.”
Chương 15: “Điều không thể”
Khi cánh cửa đã đóng lại phía sau lưng phu nhân McIntyre, hai cô gái bèn ngồi dậy thay quần áo, có phần không mấy sốt sắng. Emily thầm thấy chán ghét khi nghĩ đến ngày đang chờ phía trước. Hương vị quyến rũ của cuộc phiêu lưu lãng mạn từng bám theo họ lúc khởi hành giờ đã tiêu tan, và việc lang thang trên con đường quê mời chào người đặt báo đột nhiên trở thành tẻ nhạt. Xét về mặt thể chất, cả hai cô gái đều mệt mỏi hơn nhiều so với họ tưởng tượng.
“Cứ như thể cả một thế kỷ đã qua kể từ khi chúng ta rời Shrewsbury vậy,” Ilse lụng bụng nói trong lúc kéo cao đôi tất lên.
Emily có cảm giác thậm chí còn mạnh mẽ hơn nhiều rằng thời gian trôi qua sao dằng dặc thế. Nguyên cái buổi tối thao thức trong nỗi đắm say dưới ánh trăng vàng mà cô đã trải qua ấy dường như bằng cả một năm của sự trưởng thành kỳ lạ về mặt tinh thần. Ngay buổi tối hôm qua cũng lại là một đêm thao thức, theo một cách rất khác, và rạng sáng, khi thức dậy sau giấc ngủ ngắn, cô thấy cuộc lên trong lòng một cảm giác nao nao khó chịu có phần kỳ quặc về một hành trình bất an hỗn loạn nào đó – một cảm giác nhất thời đã được câu chuyện của phu nhân già McIntyre quét đi, nhưng giờ đây nó lại quay trở về giữa lúc cô đang chải tóc.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian